Tính cách Lưu Hoằng (nhà Tấn)

Hoằng bổ nhiệm quan viên Kinh Châu, dâng biểu lên triều đình báo cáo; triều đình đồng ý phần lớn, nhưng cho rằng quận Tương Dương là trọng trấn, muốn thay Bì Sơ bởi người có danh vọng lớn hơn là Đông Bình thái thú (tiền nhiệm) Hạ Hầu Trắc, làm thái thú. Vì Trắc là con rể của Hoằng, nên ông nói với bộ hạ: “Thống lãnh thiên hạ, nên cùng thiên hạ một lòng; cảm hóa một nước, nên cùng một nước làm việc. Nếu cứ lấy thân nhân mà dùng, thì Kinh Châu có 10 quận, làm sao kiếm đủ 10 đứa con rể để nắm quyền đây!?” bèn dâng biểu rằng: “Trác là thân nhân, theo cựu chế thì thân nhân không được cùng coi việc. Công huân của Bì Sơ nên được xem xét.” Có chiếu nghe theo [1][2].

Trong số lưu dân đến Kinh Châu có những nhạc công cung đình tránh loạn, bộ hạ khuyên Hoằng lệnh cho bọn họ làm nhạc, ông lấy cớ việc này trái lễ, không theo; vả lại thiên hạ li loạn, bề tôi có tiết tháo thì không nên nghe nhạc làm vui. Hoằng sai sứ an ủi bọn nhạc công, gởi trả về triều đình [1].

Bấy giờ là loạn Bát vương, chư vương nhà Tấn hỗn chiến ở Trung Nguyên, còn Hoằng nắm giữ lưu vực Giang, Hán, uy trấn miền nam. Quảng Hán thái thú (tiền nhiệm) Tân Nhiễm thuyết phục Hoằng cát cứ, ông cả giận, bắt chém ông ta [1][2]. Hà Gian vương Tư Mã Ngung đang tranh chấp với Đông Hải vương Tư Mã Việt, Hoằng ủng hộ Việt. Tư Mã Ngung sai Trương Quang làm Thuận Dương thái thú [5], Nam Dương thái thú Vệ Triển thuyết phục Hoằng giết Quang để tỏ lòng với Việt. Hoằng nói: “Tể phụ (tức Ngung) có lỗi, nào phải tội của Trương Quang! Hại người lợi mình, quân tử chẳng làm vậy!” Triển thâm hận ông [1].

Hoằng mỗi khi bổ/miễn nhiệm ai, tự viết thư gởi cho người chủ quản, thành khẩn dặn dò, vì thế mọi người cảm động mà vui vẻ nghe theo, tranh nhau quy phụ ông, còn nói: “Có được một bức thư tay của Lưu công, còn hơn làm tòng sự của 10 nơi.” [1][2]